image banner
 
CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG CÔNG TÁC TUYÊN GIÁO
anh tin bai
Cuộc cách mạng số - chuyển đổi số đang đặt ra những yêu cầu mới gì cho công tác tuyên giáo? Đó chính là phải chuyển đổi số công tác tuyên giáo. Chuyển đổi số công tác tuyên giáo được thể hiện trên các phương diện sau:
Thứ nhất, chủ thể công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Chủ thể công tác tuyên giáo là những tập thể cá nhân trực tiếp triển khai thực hiện công tác tuyên giáo. Trong bối cảnh chuyển đổi số, đòi hỏi tất yếu phải có các chủ thể tham gia chính vào quá trình đó phải được số hóa. Do đó, điều đầu tiên trong chuyển đổi số công tác tuyên giáo chính là chủ thể công tác tuyên giáo phải được số hóa. Ở đây là nói đến con người, là đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo.
Chủ thể công tác tuyên giáo được số hóa là sự tích hợp trong mình nhiều yếu tố: đổi mới về nhận thức, nhanh nhạy về cảm xúc, linh hoạt về sự sáng tạo, thích ứng, nhất là thành thạo về kỹ thật số… Vì vậy, để đảm đương được vai trò, vị thế và trách nhiệm mới của chủ thể công tác tuyên giáo nhằm đưa được những thông điệp cần thiết và truyền cảm hứng cho người nghe qua mạng thì đó phải là những chủ thể số. Những chủ thể công tác tuyên giáo số, trên nền tảng công nghệ, thực hiện vai trò kết nối tức thời người nghe với nguồn dữ liệu, học liệu, kết nối cộng đồng người nghe với nhau và với các môi trường học trao đổi mới giàu tính trải nghiệm. Đồng thời, chính “chủ thể công tác tuyên giáo số” cũng là người sẽ hỗ trợ người nghe tiếp cận, chấp nhận và truyền cảm hứng cho người nghe để sử dụng công nghệ, xóa bỏ hội chứng sợ công nghệ trên các nền tảng kết nối số, tương tác thông minh qua các ứng dụng… Mặt khác, để thực hiện vai trò kết nối số, chủ thể công tác tuyên giáo số cần liên tục học hỏi, tiếp cận, cập nhật và quản lí được các tương tác số (tương tác qua mạng).
Một điều đặc biệt cần quan tâm là, chủ thể công tác tuyên giáo số không loại trừ mà còn bao hàm trong mình cả tố chất tâm hồn chan chứa tình người. Đó giống như là những chủ thể hoạt động - những người thầy có “phong cách linh hoạt nhưng vẫn đảm bảo tính chuẩn mực của người thầy; gián tiếp và ngăn cách bởi máy tính, đường truyền nhưng không thể quên cung cách cư xử và sự thân thiện, tinh tế trong ứng xử; không mặt đối mặt nhưng không vì thế quên đi hình ảnh của mình hay những gì thuộc về lối sống,… Tâm hồn của người thầy còn không thể vô tư với những khó khăn của người học, không thể giản đơn hóa với cảm xúc hay những hậu sang chấn của học sinh, sinh viên không may mắn, yếu thế vẫn cố gắng đến trường, đến lớp…”
Như vậy, để thực hiện được chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo, thì phải xây dựng được đội ngũ những chủ thể công tác tuyên giáo số.
Thứ hai, nội dung công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Nội dung công tác tuyên giáo phải được số hóa, nghĩa là phải hình thành được nội dung công tác tuyên giáo số. Thực chất của việc kiến tạo và xây dựng nội dung công tác tuyên giáo số chính là hình thành được cơ sở dữ liệu tuyên giáo số hay thư viện dữ liệu số về tuyên giáo, thư viện dữ liệu tuyên giáo mở. Thư viện dữ liệu tuyên giáo số là là thư viện được thiết lập linh hoạt, hoạt động liên tục không có giờ nghỉ và có thể đáp ứng và phục vụ người được người đọc bất kỳ ở đâu và trong bất cứ hoàn cành nào. Ở thư viện dữ liệu tuyên giáo số, các nguồn dữ liệu thông tin tuyên giáo, nội dung kiến thức về tuyên giáo được số hóa (thiết kế, sản xuất, xuất bản, lưu trữ) và chuyển giao qua công cụ số nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về “đa giác quan hóa” và tương tác mạnh cho người nghe, người tiếp thu, người đối thoại. Được phát triển trên nền tảng công nghệ và công cụ số theo nguyên tắc giàu nội dung, đa định dạng, tương tác mạnh, tái sử dụng, dễ tiếp cận, tra cứu, chia sẻ và đóng góp…; dữ liệu tuyên giáo số phải dần trở thành mục tiêu, phương tiện hữu hiệu trong các quá trình triển khai công tác tuyên giáo.
Không chỉ dừng lại ở việc “số hóa văn bản công tác tuyên giáo” hay “dữ liệu tuyên giáo mở” như trước đây, các hoạt động số hóa tuyên giáo sẽ tăng cơ hội nhập vai và đưa người nghe, ngời đối thoại vào các môi trường thực - ảo để giải quyết vấn đề; tạo video, bài giảng công tác tuyên giáo bằng số hóa, E-book tương tác…sẽ giúp thư viện dữ liệu tuyên giáo số không chỉ còn thuần túy cung cấp thông tin, nội dung cần quán triệt mà còn tạo khả năng tương tác mạnh với những nội dung đó cho người nghe, người đối thoại.
Rõ ràng, để có chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì các tài liệu nghiên cứu, trao đổi, tuyên truyền về tuyên giáo cũng cần phảỉ được số hóa ngay để có được thư viện dữ liệu tuyên giáo số.
Thứ ba, phương thức công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì tất yếu cũng phải hình thành được phương thức công tác tuyên giáo số. Phương thức công tác tuyên giáo số tương thích nhất, hợp lý nhất trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia phải là phương thức công tác tuyên giáo đa linh hoạt.
Với tính đa linh hoạt trong phương thức hoạt động, phương thức công tác tuyên giáo số giúp cho hoạt động tuyên giáo diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho người nghe, người tiếp thu, người đối thoại có thể cá nhân hóa và chủ động quyết định việc lựa chọn nội dung công tác tuyên giáo theo nhu cầu của bản thân và theo mục đích đã được thiết lập; giúp cho việc hình thành mô hình chuyển giao kiến thức và cách thức công tác tuyên giáo theo phương thức đối thoại giữa chủ thể công tác tuyên giáo với đối tượng có nhu cầu. Do tầm quan trọng của phương thức công tác tuyên giáo số nên cần phải tạo dựng và kích hoạt được những phẩm chất tích cực của người nghe, người đối thoại, từ đó tạo sự độc lập tương đối khi trao đổi, tìm hiểu công tác tuyên giáo, có được môi trường tự do, dân chủ và chính điều này sẽ tạo thuận lợi cho những tư duy mới, tư duy đột phá, tư duy sáng tạo trong công tác tuyên giáo ra đời. Đương nhiên, trong điều kiện của phương thức công tác tuyên giáo số cũng phải có được sự giám sát mà thông qua đó để có thể củng cố niềm tin, giữ được tính chính trị - tư tưởng, tăng cường định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mới nảy sinh cho cả chủ thể công tác tuyên giáo lẫn đối tượng người nghe, người đối thoại một cách kịp thời.
Trong phương thức công tác tuyên giáo số còn phải có được gắn kết số. Gắn kết số trong môi trường công tác tuyên giáo số là nhằm đến làm cho hoạt động của công tác tuyên giáo không còn “kinh viện” chỉ giới hạn trong khuôn viên thuyết trình khép kín, mà được mở rộng kết hợp và thiết lập sự liên kết giữa các yếu tố công tác tuyên giáo Đảng - người dân - xã hội, tạo điều kiện cho việc đổi mới, sáng tạo và tạo ra tính thiết thực, tính thực tiễn của công tác tuyên giáo.
Thứ tư, môi trường công tác tuyên giáo phải được số hóa.
Với tư cách là cấu phần tất yếu của công tác tuyên giáo, khi thực hiện chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì tất yếu cũng phải tạo dựng được môi trường số về công tác tuyên giáo. Môi trường số về công tác tuyên giáo hay môi trường công tác tuyên giáo số chính là sự tích hợp hóa, dân chủ hóa các quá trình hoạt động và tương tác trong công tác tuyên giáo. Với những ưu thế như vậy, môi trường công tác tuyên giáo số sẽ tạo ra các cơ hội để tăng khả năng giao lưu và sự linh hoạt cho người nghe, người tiếp thu, người đối thoại trong không gian và thời gian thực - ảo, môi trường công tác tuyên giáo thực - ảo dựa trên nền tảng số. Nhờ phương thức công tác tuyên giáo số này mà tăng tính tương tác cá nhân hóa cao độ trong tổ chức hoạt động tuyên giáo với người nghe, người tiếp thu, người đối thoại thông qua các “gói” nội dung mở, linh hoạt về tuyên giáo; tăng cơ hội, lịch trình, thời gian, không gian tương tác, trao đổi, đối thoại mở và môi trường trao đổi thực - ảo về tuyên giáo.
Từ những phân tích trên cho thấy, muốn tiến hành được chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì cũng phải tạo lập được và vận hành được môi trường công tác tuyên giáo số.
Thứ năm, nền tảng công nghệ cho hoạt động công tác tuyên giáo cũng phải được số hóa.
Điều kiện và tiền đề tiên quyết cho chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo chính là phải có được nền tảng số cho công tác tuyên giáo. Nền tảng số, tức là tạo dựng công nghệ số cho công tác tuyên giáo. Thực chất của nền tảng số trong công tác tuyên giáo chính là phải xác lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, xem đó là điều kiện quyết định để triển khai chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo. Đây chính là bước chuyển sang thời đại công nghệ số trong công tác tuyên giáo. Thời đại công nghệ số được hình thành nhờ cuộc cách mạng số đã dẫn đến sự hiện đại hoá các quá trình thông tin và truyền thông, trở thành động lực của tiến hoá xã hội. Thời đại công nghệ số đang phá vỡ phương thức sản xuất truyền thống và tạo ra sự thay đổi lớn theo cách thức sản xuất phi tuyền thống. Trong công nghệ số, môi trường làm việc được tối ưu hóa, các máy móc sẽ được kết nối để tương tác với nhau và với con người trên một không gian mạng. Quá trình này sẽ tăng khả năng trực quan hóa toàn bộ chuỗi hoạt động, truyền thông tin và giao lưu giữa người và người, giữa cá nhân và xã hội, từ đó tạo ra sự đồng bộ, lan tỏa và tương tác tích cực với nhau.
Lộ trình xây dựng nền tảng số cho công tác tuyên giáo cần dựa trên những thay đổi từng bước từ việc thay đổi nhận thức để hình thành tri thức dựa trên việc sử dụng phương thức phù hợp cộng hưởng với đảm bảo nguồn lực và tổ chức thực hiện.
Như vậy, muốn có được chuyển đổi số trong công tác tuyên giáo thì một nền tảng số cho công tác tuyên giáo phải được thiết lập, khởi động triển khai và vận hành ngay nhằm tạo cơ sở, điều kiện cho việc hiện thực hóa để công tác tuyên giáo được chuyển đổi số.
Tóm lại, những phân tích và trình bày trên cho thấy để có thể đáp ứng được yêu cầu mới của cách mạng số đối với công tác tuyên giáo, đã đến lúc cần phải tận dụng cách mạng số nhằm số hóa công tác tuyên giáo để làm cho công tác tuyên giáo Đảng hoạt động thật sự tương thích, có hiệu quả và thiết thực./.
PGS.TS. Ngô Đình Xây
Nguyên Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị
BTG Tw-PSPĐH
Tin khác
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tuần: 1
  • Tất cả: 1
Đăng nhập